Lăng Vua Khải Định không chỉ là nơi an nghỉ của vị vua thứ 12 triều Nguyễn mà còn là công trình kiến trúc độc đáo nhất trong hệ thống lăng tẩm ở Huế. Với sự pha trộn tinh tế giữa nghệ thuật phương Đông và phương Tây, lăng Khải Định thu hút mọi ánh nhìn ngay từ bước chân đầu tiên.

Lăng Vua Khải Định ở đâu?

Lăng Khải Định, còn gọi là Ứng Lăng, nằm trên triền núi Châu Chữ, thuộc xã Thủy Bằng, TP. Huế, cách trung tâm thành phố khoảng 10km về phía Tây Nam. Đây là vị trí "tọa sơn hướng thủy" rất đắc địa, lưng tựa núi, mặt hướng ra dòng sông Hương thơ mộng.

Lăng Vua Khải Định từ trên cao

(Nguồn ảnh: Internet)

Du khách có thể đến đây bằng taxi, xe máy hoặc đi tour ghép lăng tẩm Huế trong ngày. Đường lên lăng có nhiều bậc thang, nhưng đổi lại là khung cảnh thiên nhiên xanh mát và kiến trúc hùng vĩ.

  • Giờ mở cửa: 7h - 17h.

  • Giá vé: 150.000đ/ người lớn, 30.000đ/ trẻ em.

  • Thời điểm lý tưởng để tham quan: Sáng sớm hoặc chiều mát, khi ánh nắng không quá gắt, phù hợp để leo bậc thang và chụp ảnh.

Lăng được xây từ khi nào

Lăng được khởi công năm 1920 và mất đến 11 năm để hoàn thành. Đây là công trình do chính vua Khải Định lựa chọn vị trí và chỉ đạo xây dựng nhằm thể hiện quyền lực, sự khác biệt và tinh thần tiếp nhận văn hóa phương Tây của mình.

Lăng Vua Khải Định ảnh cũ

(Nguồn ảnh: Internet)

Điểm đặc biệt là trong khi các vị vua trước thường chọn lăng mộ mang phong cách thuần Việt, hòa mình vào thiên nhiên thì Khải Định lại cho xây dựng một lăng tẩm bề thế, sử dụng nhiều vật liệu hiện đại nhập từ Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc như sắt thép, xi măng, gạch men, đá cẩm thạch...

Kiến trúc ấn tượng của lăng Khải Định 

Lăng Vua Khải Định nổi bật với phong cách kiến trúc giao thoa giữa Á Đông truyền thống và phương Tây hiện đại, tạo nên một công trình có một không hai trong quần thể lăng tẩm triều Nguyễn.

Toàn bộ lăng Khải Định ở Huế được thiết kế như một khối kiến trúc hình chữ nhật nổi bật giữa sườn núi Châu Chữ, gồm 127 bậc thang dẫn lên đỉnh. Vượt qua 37 bậc đầu tiên là cổng Tam Quan, tiếp theo là khu Nghi Môn và sân Bái Đính, rồi đến hai tầng sân chính, mỗi tầng cách nhau 13 bậc. Nằm trên đỉnh cao nhất chính là Cung Thiên Định - trái tim của toàn bộ công trình.

Cổng tam quan

Cổng Tam Quan gây ấn tượng bởi vẻ bề thế, cổ kính, đóng vai trò như cánh cổng dẫn lối vào thế giới vĩnh hằng của vua Khải Định. Để tới được đây, bạn cần vượt 37 bậc thang bằng đá. Các trụ lớn tại cổng được xây theo phong cách Ấn Độ giáo, phản ánh sự hòa quyện tinh tế giữa văn hóa phương Đông và phương Tây trong kiến trúc thời Nguyễn giai đoạn cuối.

cổng tam quan Lăng Vua Khải Định

(Nguồn ảnh: Internet)

Nghi môn và sân Bái Đính

Tiếp tục di chuyển qua 29 bậc thang nữa, bạn sẽ đến khu vực Nghi Môn và sân Bái Đính, nổi bật với hàng tượng cận thần và binh lính xếp đều tăm tắp thành bốn hàng đối xứng. Mỗi pho tượng đều được chạm khắc tỉ mỉ, thể hiện thần thái sinh động và kỹ thuật điêu khắc bậc thầy.

nghi môn và sân bái đính Lăng Vua Khải Định

(Nguồn ảnh: Internet)

Cung Thiên Định

Cung Thiên Định là công trình trung tâm, đồng thời cũng là điểm cao nhất của lăng. Đây không chỉ là nơi an nghỉ của vua Khải Định mà còn là khu vực thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật cung đình. Cung gồm 5 gian chính: hai bên là tả, hữu trực phòng; phía trước trung tâm là điện Khải Thành đặt án thờ; phía trong là chính tẩm - nơi yên nghỉ của vua, bên trên đặt tượng đồng dát vàng được đúc theo tỉ lệ thật. Khu vực sâu nhất là khám thờ, nơi lưu giữ long vị và các đồ tế khí quan trọng.

cung thiên định ở Lăng Vua Khải Định

(Nguồn ảnh: Internet)

Đặc biệt, không gian nội thất của Cung Thiên Định là tuyệt phẩm của nghệ thuật khảm sành sứ. Những nghệ nhân thời bấy giờ đã ghép hàng vạn mảnh sành, sứ và thủy tinh màu để tạo thành những họa tiết tinh xảo như bộ tranh Tứ thời, Ngũ phúc, Bát bửu, mâm ngũ quả... Mỗi chi tiết đều thể hiện gu thẩm mỹ cầu kỳ, độc đáo và tinh tế của nhà Nguyễn.

Lăng Vua Khải Định ở huế

(Nguồn ảnh: Internet)

Điểm nhấn trong cung Thiên Định không thể không kể đến là điện Khải Thành. Đây không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là khu vực đặt thi hài của vua Khải Định. Thi hài được an táng ngay bên dưới tượng đồng đặt trên ngai vàng. Bửu tán bên trên, tuy được làm từ bê tông cốt thép, lại có vẻ ngoài thanh thoát, uốn lượn nhẹ nhàng như một dải lụa bay.

Lăng Vua Khải Định - tượng vua khải định

(Nguồn ảnh: Internet)

Trên trần ba gian chính của điện Khải Thành là bức tranh “Cửu long ẩn vân” – kiệt tác hội họa do nghệ nhân Phan Văn Tánh thực hiện bằng cả tay và chân. Chín con rồng uốn lượn ẩn hiện giữa mây trời tạo nên chiều sâu nghệ thuật đầy ấn tượng. Bên trên tượng vua là Bửu tán bằng đồng nặng tới 1 tấn, tuy nặng nề nhưng được chạm khắc mềm mại đến mức khiến người xem có cảm giác như được làm từ lụa mỏng.

Tượng vua Khải Định

Lăng Khải Định là công trình phá cách bậc nhất trong hệ thống lăng tẩm triều Nguyễn. Đây là lăng mộ duy nhất có đến hai pho tượng vua bằng đồng được tạc theo tỷ lệ thật:

  • Một tượng ngồi trên ngai vàng tại Điện Khải Thành do hai nghệ nhân Pháp tạc và đúc vào năm 1920, phần dát vàng do thợ Huế thực hiện.

  • Pho tượng thứ hai là tượng vua đứng, được đúc tại Huế bởi một người thợ gốc Quảng Nam. Ban đầu tượng được đặt tại Cung An Định, đến năm 1975 mới chuyển vào Cung Thiên Định để hoàn chỉnh tổng thể không gian tôn nghiêm của lăng mộ.

Lăng Vua Khải Định - tượng vua khải định đứng

(Nguồn ảnh: Internet)

Lăng Vua Khải Định không chỉ là một điểm tham quan nổi bật trong hành trình khám phá Cố đô Huế mà còn là minh chứng sống động cho sự giao thoa văn hóa và nghệ thuật thời kỳ giao thời. Nếu yêu thích kiến trúc, lịch sử và nghệ thuật, bạn chắc chắn không thể bỏ qua địa điểm này khi đi tour du lịch Huế nhé.