Lăng Tự Đức - Công trình lăng tẩm bậc nhất xứ Huế

Lăng Tự Đức ở đâu, giờ mở cửa và giá vé như nào, nơi đây có gì đẹp,... Tất cả sẽ được giải đáp ở bài viết ngắn này!
Khi nhắc đến quần thể lăng tẩm ở Huế, Lăng Tự Đức luôn là một trong những điểm đến được yêu thích nhất. Không đồ sộ như lăng Khải Định, cũng không quá u tịch như lăng Gia Long, Lăng Tự Đức mang vẻ thơ mộng, tĩnh lặng và đầy chất trữ tình, phản ánh đúng tâm hồn thi sĩ của vị vua nổi tiếng văn hay chữ tốt nhất triều Nguyễn.
Lăng Tự Đức ở đâu
Lăng Tự Đức tọa lạc tại thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, cách trung tâm khoảng 6km về phía tây nam. Nằm ẩn mình giữa rừng thông và bao quanh bởi hồ nước tự nhiên, khuôn viên lăng rộng hơn 12 ha, được xem là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của hệ thống di tích cố đô Huế.
(Nguồn ảnh: Internet)
-
Giờ mở cửa: 7h00 - 17h00
-
Giá vé tham quan: 100.000đ/ người lớn, 20.000đ/ trẻ em.
Lịch sử hình thành Lăng Tự Đức
Lăng Tự Đức được khởi công xây dựng vào năm 1864, khi vua Tự Đức vẫn đang trị vì, với tên gọi ban đầu là Vạn Niên Cơ. Tuy nhiên, do việc xây lăng tốn kém ngân khố và huy động nhiều nhân công, gây ra bất mãn trong triều đình, nhà vua đã đổi tên thành Khiêm Cung, như một cách thể hiện tinh thần khiêm nhường và thấu hiểu lòng dân.
(Nguồn ảnh: Internet)
Quá trình xây dựng kéo dài trong ba năm và hoàn thành vào năm 1867. Sau khi vua Tự Đức băng hà năm 1883, Khiêm Cung chính thức trở thành nơi yên nghỉ của ông và được gọi là Khiêm Lăng. Đây cũng là nơi an nghỉ của ba vị hoàng hậu và phi tần của vua, cho thấy mối gắn kết đặc biệt giữa ông với gia đình và hậu cung.
Đặc điểm kiến trúc Lăng Tự Đức
Tổng thể kiến trúc lăng Tự Đức được chia thành hai khu vực chính: tẩm điện và khu lăng mộ, bố trí dọc theo hai trục song song, cùng hướng về núi Giáng Khiêm phía trước làm tiền án, tựa lưng vào núi Dương Xuân ở sau làm hậu chẩm, và hồ Lưu Khiêm đóng vai trò như minh đường (yếu tố phong thủy quan trọng trong kiến trúc cung đình xưa).
(Nguồn ảnh: Internet)
Không chỉ đơn thuần là nơi an táng sau khi qua đời, lăng Tự Đức còn là không gian nghỉ dưỡng, thư giãn của vua lúc sinh thời. Nhà vua thường đến đây để đọc sách, làm thơ và chiêm nghiệm cuộc sống, bởi vậy khung cảnh nơi này mang đậm chất thi vị, giống như một công viên rộng lớn. Có rừng thông rì rào, suối róc rách, hồ nước trong xanh, những chiếc đình, tạ, cung điện cổ kính... tất cả hòa quyện thành một bản giao hưởng trầm lắng, thấm đẫm tinh thần nghệ thuật trong kiến trúc.
(Nguồn ảnh: Internet)
Phía bên phải khu tẩm điện là khu lăng mộ với các công trình như sân Bái Đình, nhà Bi Đình, trụ biểu, bửu thành và huyền cung. Không gian xung quanh được bao phủ bởi rừng cây cổ thụ xanh mát, phía trước là mặt hồ uốn lượn mềm mại tạo nên một khung cảnh đậm chất trữ tình.
(Nguồn ảnh: Internet)
Nổi bật nhất trong khu lăng là tấm bia bằng đá Thanh được xem là lớn nhất Việt Nam hiện nay. Bia được đặt giữa Bi Đình và nằm trên một bệ đá lớn được chạm trổ công phu với nhiều họa tiết tinh xảo như hổ phù, thao thiết, hoa cúc và các biểu tượng bát bửu. Trên mặt bia có khắc bài Khiêm Cung Ký là bản tự thuật đầy cảm xúc do chính vua Tự Đức viết ra để nói về cuộc đời và tâm sự của mình. Năm 2015, tấm bia này đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.
(Nguồn ảnh: Internet)
Tại điện Hòa Khiêm là nơi thờ vua và hoàng hậu, nội thất được sơn màu đen tương phản với các đồ thờ son thếp vàng rực rỡ. Nơi đây hiện vẫn lưu giữ nhiều kỷ vật quý của nhà vua và các phi tần, trong đó có những bức tranh gương khắc họa thơ của vua Thiệu Trị với khung thếp vàng chạm trổ tinh tế. Những bức tranh này do họa sĩ Trung Hoa thực hiện theo đơn đặt hàng của triều đình và hiện là số ít các tác phẩm hội họa triều Nguyễn còn sót lại đến ngày nay.
(Nguồn ảnh: Internet)
Ngoài ra trong khuôn viên còn có Khiêm Thọ lăng là nơi an nghỉ của Lệ Thiên Anh Hoàng hậu (vợ chính của vua Tự Đức). Bà cũng được thờ chung với nhà vua tại điện Hòa Khiêm. Bên cạnh đó là Bồi lăng nơi an táng vua Kiến Phúc, con nuôi của vua Tự Đức. Việc có đến hai ngôi lăng vua trong cùng một khuôn viên đã tạo nên điểm khác biệt đặc trưng so với các lăng tẩm khác của triều Nguyễn.
Lăng Tự Đức không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là không gian nghệ thuật sống động, phản ánh tâm hồn của vị vua yêu thi ca và sự thanh tịnh. Nếu có dịp đi tour du lịch Huế, bạn đừng quên ghé qua nơi đây để cảm nhận vẻ đẹp trầm lắng nhưng sâu sắc của một trong những lăng tẩm đẹp nhất đất cố đô nhé.